Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành "Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024" sẽ giới thiệu hơn 100 công nghệ và thiết bị (CN&TB) cùng nhiều hoạt động kết nối, tư vấn chuyển giao công nghệ, hứa hẹn không gian "chợ" sôi động ở thời điểm cuối năm.
Techmart "Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024" sẽ diễn ra trong hai ngày 28&29/11 với các hoạt động chính là trưng bày, giới thiệu CN&TB, hội thảo giới thiệu công nghệ và tư vấn chuyên gia về công nghệ.
Techmart lần này tập trung giới thiệu các xu hướng công nghệ mới, các giải pháp phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp; công nghệ sinh học và cơ khí tự động hóa nhằm sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến nông sản,… Đặc biệt, Techmart chú trọng các CN&TB sẵn sàng chuyển giao, ứng dụng nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những giải pháp giúp tối ưu hóa quản lý vận hành sản xuất, đáp ứng mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và an toàn thực phẩm. Điển hình như: Công nghệ hỗ trợ quản trị hoạt động nông nghiệp; Giải pháp thông minh cho nông nghiệp hiện đại; Công nghệ liên kết chuỗi giá trị kết nối từ cánh đồng đến bàn ăn; Hệ thống hun trùng hữu cơ OxyLow và công nghệ bảo quản KoMot; Thiết bị dò tạp chất X- Ray trong thực phẩm đóng gói; Công nghệ IoT và cảm biến trên cánh đồng, nhà kính nhà màng; Công nghệ học máy và phân tích, máy bay không người lái giám sát cây trồng; nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp GESO ERP;…
Chợ CN&TB là sự kiện thường niên với các hoạt động trưng bày giới thiệu công nghệ, hội thảo công nghệ và tư vấn chuyên gia về công nghệ
Bên cạnh 50 gian hàng công nghệ của các doanh nghiệp, trường, viện, Techmat chuyên ngành "Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024" còn giới thiệu chuỗi 13 hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch,… Cụ thể như:
* Các hội thảo ngày 28/11:(1) Ứng dụng máy bay không người lái (drone) phục vụ chăm sóc cây trồng trên diện tích lớn;
(2) Ứng dụng thiết bị phun và sạ tự hành công nghệ mới - TTDrone trong canh tác nông nghiệp;
(3) Giải pháp truy xuất nguồn gốc Vmart;
(4) Giải pháp chống giả đa lớp ngay trên nhãn mác dành cho ngành nông sản;
(5) Mô hình D2C ứng dụng nền tảng hệ sinh thái giúp liên kết chuỗi giá trị kết nối từ cánh đồng đến bàn ăn;
(6) Hệ sinh thái nông nghiệp số VNPT Agri: Giải pháp cho liên kết chuỗi giá trị nông sản bền vững;
(7) Giải pháp trồng nấm mối đen ứng dụng công nghệ IoT.
* Các hội thảo ngày 29/11:(1) Giải pháp bảo quản trái cây bằng màng bao sinh học phục vụ nhu cầu xuất khẩu;
(2) Các phương pháp đánh giá nhanh chất lượng vi sinh trên nông sản và giám sát vệ sinh nhà xưởng sản xuất nông phẩm;
(3) Giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu vi sinh trên nông sản sau thu hoạch;
(4) Ứng dụng công nghệ enzyme và công nghệ lên men nhằm chế biến sâu một số loại trái cây và phụ phẩm trái cây (chuối, sầu riêng, thơm…);
(5) Giải pháp ERP-LC quản lý trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất nông sản;
(6) Máy chiên chân không VinaOrganic.
Chuỗi hội thảo tại Techmart lần này sẽ giới thiệu, cập nhật các thông tin xu hướng ứng dụng chuyển đổi số và các quy trình, giải pháp số trong nông nghiệp
Trong đó, tại hội thảo "Mô hình D2C ứng dụng nền tảng hệ sinh thái giúp liên kết chuỗi giá trị kết nối từ cánh đồng đến bàn ăn", TS. Nguyễn Tuấn Hoa (Chủ tịch Hội dồng chuyên gia - Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam) sẽ trình bày và chia sẻ một số thông tin mới về mô hình thương mại số D2C. Trong mô hình này, với việc ứng dụng nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ cao (kết nối trực tiếp từ vườn trồng đến bàn ăn), nhà sản xuất có thể bán sản phẩm thẳng tới người tiêu dùng (thay vì qua khâu trung gian như mô hình truyền thống), biết rõ thông tin về người tiêu dùng, đo lường được thị phần, dự báo được thị hiếu, xu thế mua sắm, sức mua,… để chủ động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, chủ động chăm sóc khách hàng,… Về phía người tiêu dùng, có thể chủ động lựa chọn những sản phẩm an toàn, chất lượng, giá phải chăng, có nguồn gốc rõ ràng, nắm thông tin về quy trình sản xuất xanh, hữu cơ, các tiêu chuẩn về sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn,...
Theo TS. Nguyễn Tuấn Hoa, trong xu thế hiện nay, mô hình D2C là điểm tựa để phát triển kinh tế đột phá, với các mô hình kinh tế của nông thôn mới, kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn,… vì mô hình này giúp "cởi trói" cho sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Đây cũng là là tương lai của ngành bán lẻ hiện đại, thực tế đã có một số mô hình ứng dụng thành công như Cà phê số, Bia tươi số, D2C trang trại nhỏ bán sản phẩm trực tiếp cho bếp ăn, D2C đặc sản 3 miền, D2C cung cấp vật tư,… Để thúc đẩy phát triển D2C, cần có các chính sách cụ thể như khuyến khích mô hình D2C cho các sản phẩm tiêu biểu của địa phương, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương; chuẩn hóa các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm xanh, khuyến khích chuyển đổi số,…
Tại hội thảo Ứng dụng công nghệ enzyme và công nghệ lên men nhằm chế biến sâu một số loại trái cây và phụ phẩm trái cây (chuối, sầu riêng, thơm…), TS. Phạm Minh Nhựt (Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh – HUTECH) sẽ trình bày và chia sẻ về hướng hợp tác, chuyển giao một số công nghệ, giải pháp do các nhà khoa học của HUTECH nghiên cứu. Cụ thể như giải pháp chế biến sâu và phát triển sản phẩm mới liên quan đến trái cây; giải pháp tận dụng các nguồn phụ phế phẩm trong sản xuất trái cây tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao; giải pháp tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm; công nghệ sản xuất các nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm,… Trong đó, ngành công nghệ sinh học của HUTECH đã nghiên cứu công nghệ thủy phân bằng enzyme và công nghệ lên men có khả năng tận dụng các nguồn phụ phế phẩm trong sản xuất trái cây tạo ra sản phẩm có giá trị như thực phẩm ít calo, hỗ trợ tiêu hóa, thực phẩm chăm sóc sức khỏe, trà thảo mộc, mỹ phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc, chăm sóc cơ thể,… Công nghệ enzyme và công nghệ lên men là giải pháp xanh và bền vững do các enzyme có khả năng phân hủy sinh học, không tạo ra chất thải độc hại, chuyển hóa các chất hữu cơ, phù hợp ứng dụng trong nông nghiệp tuần hoàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm chi phí xử lý chất thải.
Song song đó, khu tư vấn chuyên gia của Techmart với đội ngũ 8 chuyên gia đến từ các Trường Đại học Bách khoa, Đại học Công thương, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Trung tâm mã số mã vạch quốc gia (NBC) sẽ thường trực trong hai ngày để tư vấn miễn phí về lĩnh vực chuyển đổi số trong nông nghiệp, công nghệ sinh học và cơ khí tự động hóa, bảo quản sau thu hoạch,…
Hoạt động tư vấn chuyên gia tại Techmart
Cụ thể như tư vấn về quy trình chiết xuất chitosan từ vỏ tôm bảo quản trái cây, nông sản; quy trình kéo dài thời gian bảo quản trái cây xuất khẩu (chanh dây, mít, sầu riêng); quy trình sử dụng hóa chất trong bảo quản sau thu hoạch; phương pháp kiểm soát khí quyển trong bảo quản sau thu hoạch; công nghệ trích ly chất màu, các chất có hoạt tính sinh học trong nông sản, dược liệu; công nghệ chế biến các sản phẩm nước quả, nước quả lên men, rượu vang, bột sấy phun từ quả thanh long, sơ ri, nho; chế biến sản phẩm từ thịt vỏ quả cà phê; quy trình sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong kích thích tăng trưởng cho cây trồng, hỗ trợ phòng bệnh và quản lý các bệnh ở vùng rễ trên các loại cây trồng, xử lý môi trường, tăng đề kháng cho vật nuôi trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi; phân tích, đánh giá, các bệnh hại cây trồng do các tác nhân như vi khuẩn, nấm; tư vấn xác định phạm vi và mục tiêu dự án nông nghiệp cần chuyển đổi số; tư vấn thu thập dữ liệu và trực quan hóa hiện trạng trong chuyển đổi số nông nghiệp; đánh giá hiện trạng của hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm cần chuyển đổi số; xây dựng chiến lược chuyển đổi số (thiết kế giá trị và giải pháp thiết kế, triển khai tích hợp hệ thống); xây dựng lộ trình chuyển đổi số trong nông nghiệp; phương thức quản trị trong nông nghiệp; tư vấn đăng ký, sử dụng mã số, mã vạch (trong nước, quốc tế), công nghệ, thiết bị liên quan ứng dụng trong nông nghiệp; quy trình hoạt động, công nghệ, giải pháp liên quan đến truy xuất nguồn gốc ứng dụng trong nông nghiệp, xuất khẩu nông sản, thương mại quốc tế;…
Techmart là sự kiện thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Mục tiêu chính của Techmart là góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sau thu hoạch trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh thành khác. Đồng thời tại sự kiện, các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến các công nghệ hiện có và giới thiệu các công nghệ mới tại Việt Nam, sẵn sàng hợp tác và chuyển giao cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu.
Techmart
"Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024" sẽ diễn ra
trực tiếp tại Sàn Giao dịch công nghệ (79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM) và trực tuyến trên nền tảng triển lãm trực tuyến tại địa chỉ https://Techmart.techport.vn.
Lễ khai mạc Techmart sẽ diễn ra sáng ngày 28/11/2024. Quý vị quan tâm vui lòng đăng ký TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí với chuyên gia, và đăng ký tham dự Techmart TẠI ĐÂY
Chi tiết về Techmart chuyên ngành
"Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024" vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN
Phòng Giao dịch công nghệ79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM.
Điện thoại: (028) 3521 0735 – 3822 1635
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Mobile: 0939413733 (Chị Thùy Vân)
Lam Vân (CESTI)