Theo quyết định 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045 xác định, phát triển Sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, đưa Sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược, chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới gắn với bảo hộ thương hiệu Sâm Việt Nam. Công ty TNHH Thực phẩm Pháp Việt đã nghiên cứu quy trình sản xuất các sản phẩm từ nhiều loại sâm (Sâm ngọc linh, sâm dây, sâm cao, sâm bố chính… ) bao gồm:
1. Cao và bột sâm hòa tan: Quy trình sử dụng thiết bị chiết xuất chân không PVF kết hợp công nghệ lọc nano và cô đặc chân không để cho ra sản phẩm cao sâm. Từ sản phẩm cô đặc tiếp tục qua các giai đoạn chế biến thành bột sâm hòa tan.
2. Nước giải khát: Từ nguyên liệu sâm thu được qua các bước trích ly; phối chế, đóng chai, thanh trùng và làm nguội. Kết quả cho thấy, sản phẩm nước giải khát từ sâm có chất lượng cảm quan tốt về màu sắc, độ trong và hương vị, đồng thời giữ được các hoạt chất tốt cho sức khỏe.
3. Mứt: Sâm thu được qua sơ chế bằng công nghệ ngâm tẩm chân không với đường theo tỷ lệ thích hợp. Công nghệ này giúp đường có khả năng thẩm thấu vào nguyên liệu mạnh, rút ngắn thời gian chế biến so với phương pháp truyền thống. Sản phẩm mứt sâm thu được có trạng thái dẻo, bảo quản trong thời gian dài.
Hội thảo mong muốn được chuyển giao công nghệ đến các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng… ở quy mô công nghiệp.