Techmart chuyên ngành tháng 11: Tư vấn chuyên gia tìm “đường ra” cho chuối và bưởi sau thu hoạch

Tư vấn chuyên gia là hoạt động nhằm kết nối chuyên gia với doanh nghiệp, xác định và làm rõ vấn đề mà doanh nghiệp cần giải quyết, định hướng cho doanh nghiệp cách triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chuối là loại nông sản rất quen thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam, chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Tại khu vực Tư vấn chuyên gia trong khuôn khổ Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành “Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024”, một doanh nghiệp ở huyện Củ Chi (TP.HCM) đã liên hệ tìm kiếm thông tin về công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm từ chuối nhằm tăng giá trị nông sản sau thu hoạch.
 
Theo tư vấn của PGS.TS. Trần Thị Thu Trà (Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM), hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm từ chuối. Đối với chuối chín, doanh nghiệp có thể tham khảo các quy trình công nghệ sản xuất rượu chuối, chuối sấy, sữa chuối, kẹo chuối… Đối với chuối xanh, doanh nghiệp có thể tham khảo quy trình công nghệ chế biến tinh bột chuối (sẽ cần lưu ý về giống chuối, kỹ thuật và điều kiện canh tác). Ví dụ, trong công nghệ sản xuất sữa chuối, doanh nghiệp sẽ cần đến máy xay nhuyễn chuối, máy ly tâm, máy nấu sữa và kho lạnh bảo quản; hay trong công nghệ sản xuất rượu chuối, ngoài máy xay và máy nghiền, doanh nghiệp cần phối trộn nấm men theo tỷ lệ mong muốn rồi lắng lọc. Theo đó, thông qua sự kết nối của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp có thể gửi mẫu chuối đến nhà cung ứng công nghệ để nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm – từ đó sẽ tiến hành chuyển giao nếu phù hợp yêu cầu.  
 
 
PGS.TS. Trần Thị Thu Trà tư vấn công nghệ cho doanh nghiệp
 
Bưởi cũng là một nông sản được khuyên dùng để cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Nhằm mở rộng thị trường kinh doanh sau thu hoạch, doanh nghiệp ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã tìm đến Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành “Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024” để tìm kiếm thông tin tư vấn về các thiết bị rửa và vệ sinh quả bưởi, cùng phương thức sản xuất các loại thức uống từ bưởi và những sản phẩm từ bưởi để triển khai chế biến sau thu hoạch.
 
Theo ông Huỳnh Tiến Trung (Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch), hệ thống rửa bưởi sẽ bao gồm các bước như đưa lên băng chuyền, sục ozone, làm ráo và đánh bóng vỏ bưởi, đóng thùng đưa vào kho lạnh. Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động không cần công nhân, đáp ứng công suất rửa bưởi khoảng 2 tấn/giờ. Đây là phương pháp hiệu quả để đảm bảo vệ sinh an toàn cho nguyên liệu bưởi – dùng trong các khâu chế biến sau thu hoạch, hoặc đóng gói xuất khẩu. Hiện nay, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch còn cung cấp thêm chế phẩm bảo quản bưởi tươi sau khi rửa, tránh các tác nhân phá hoại từ bên ngoài, chống thoát nước, giúp cho vỏ bưởi vẫn giữ được màu sắc đẹp và giữ cho bưởi tươi xanh lâu hơn.
 
 
Ông Huỳnh Tiến Trung tư vấn công nghệ cho doanh nghiệp
 
Về thức uống từ bưởi, PGS.TS. Trần Thị Thu Trà (Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM) chia sẻ do đặc tính đắng của nước bưởi nên các loại thức uống từ bưởi thường được bổ sung gia vị để pha loãng và giảm độ đắng. Tùy vào loại hình sản phẩm sẽ có hạn sử dụng khác nhau, như nước trái cây bưởi nên sử dụng trong vòng 6 tháng, hoặc rượu vang bưởi sử dụng trong vòng 2 năm. Trong quy trình sản xuất cần lưu ý các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất cặn, kết tủa… Ngoài những sản phẩm thông dụng như kẹo bưởi, nguyên liệu chè bưởi, lá bưởi hay vỏ bưởi còn có thể dùng để sản xuất thực phẩm chức năng điều trị sỏi thận, giảm mỡ máu… nhưng phải tuân thủ yêu cầu, quy định của pháp luật. Các sản phẩm từ bưởi hiện đã có quy trình công nghệ, sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp theo sự kết nối của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ.
 
Trong nhiều năm qua, tư vấn chuyên gia là hoạt động đặc biệt và chỉ có tại Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ. Đây là hoạt động nhằm tạo cơ hội để các nhà khoa học từ Viện – trường đến gần hơn với doanh nghiệp, tham vấn kiến thức công nghệ và thiết bị cho doanh nghiệp, hướng dẫn và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhận biết sự cần thiết thay đổi nhằm cải tiến và nâng cao năng suất – chất lượng sản phẩm – dịch vụ của doanh nghiệp. Mặt khác, từ việc nắm bắt vấn đề của doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng sẽ có cơ hội được khám phá ý tưởng mới, thử nghiệm cách làm mới để giải quyết bài toán công nghệ của doanh nghiệp, từ đó chuyển giao công nghệ và đưa công nghệ vào phát triển kinh tế và phục vụ cuộc sống.
 
Sau Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành “Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024”, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục cùng chuyên gia đồng hành cùng doanh nghiệp, có thể thực hiện khảo sát tại địa phương để nhanh chóng tìm ra giải pháp phù hợp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng công nghệ vào chế biến sau thu hoạch.
Hoàng Kim (CESTI)
Sử dụng công nghệ sàn giao dịch Techport
Scroll